Bệnh đại tràng chức năng hay còn gọi là hội chứng ruột kích thích bệnh thể hiện bởi nhiều triệu chứng chủ yếu là các triệu chứng liên quan đến rối loạn vận động ống tiêu hoá: đại tràng dễ kích thích, tăng có bóp đại tràng, đại tràng quá mẫn cảm. Bệnh biểu hiện chủ yếu bởi các triệu chứng rối loạn phân nhưng khi thăm dò không có các tổn thương thực thể của đại tràng.
Bệnh đại tràng chức năng chiểm tỷ lệ cao trong số các bệnh nhân đến khám tại phòng khám chuyên khoa tiêu hóa 20 – 40%, tỷ lệ thường gặp trong các bệnh lý nội khoa chung tùy theo từng nghiên cứu từ 5 – 20%. Bệnh lành tính rất ít ảnh hưởng đến sức khỏe và thời gian sống nhưng có xu hướng ngày càng tăng.
Nguyên nhân của viêm đại tràng co thắt rất đa dạng, và một trong những nguyên nhân điển hình có thể kể tới là:
– Tăng mẫn cảm tạng
– Rối loạn vận động ruột
– Thay đổi tính thấm ruột
– Viên nhiễm lâm sàng
– Chủng vi khuẩn
– Yếu tố tâm lý…
Bệnh đại tràng chức năng hay xảy ra ở người trẻ tuổi, trước 30 tuổi, tỷ lệ nữ mắc nhiều hơn nam.
Ba triệu chứng chính thường gặp là đau bụng, táo bón và ỉa lỏng. Ba triệu chứng có thể đơn độc hay phối hợp với nhau.
Triệu chứng đau bụng không có đặc điểm gì cố định, không có vị trí nhất định có thể đau dọc khung đại tràng, đau tăng lên sau ăn, thậm chí chưa ăn xong đã gây đau bụng làm người ta phải ngừng ăn, khi ăn phải thức ăn lạ dễ gây đau bụng. Các yếu tố khác như lạnh, nóng cũng có thể gây đau. Đau có thể triền miên nhiều ngày nhưng cũng chỉ có thể 1 – 2 ngày, một tháng có thể đau nhiều ngày, nhưng cùng có bệnh nhân nhiều tháng mới đau một lần.
Phân lỏng hoặc nát, phân có thể sống, có nhầy mũi lẫn phân, lẫn bọt, lượng nhầy, bọt nhiều ít tuỳ theo từng bệnh nhân.
Phân táo: phân trở nên rắn, chắc, số lần giảm, <3 lần đại tiện/tuần thường kèm theo mũi nhầy bọc ngoài phân.
Đặc điểm quan trọng nhất là phân không lẫn máu, nếu có dấu hiệu phân máu đó không phải là triệu chứng của bệnh đại tràng chức năng mà phải coi đó là tổn thương thực thể cần phải tìm nguyên nhân.
Ngoài ra các triệu chứng tại bụng cũng khá thường gặp: bụng đầy hơi, ậm ạch, trung tiện nhiều, chán ăn, ăn không ngon miệng nhưng không có dấu hiệu sút cân. Toàn trạng không bị ảnh hưởng nhiều. Các triệu chứng khác ngoài tiêu hoá như nhức đầu mất ngủ, bốc hỏa.
Hội chứng ruột kích thích là bệnh lành tính và không có nguy cơ ung thư nên điều trị ở đây là điều chỉnh chế độ sinh hoạt và điều trị triệu chứng.
Trước hết cần ăn kiêng các thức ăn không thích hợp như tôm, cua , cá những thức ăn khó tiêu sinh hơi nhiều như khoai lang, kiêng các thức ăn gây kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, các thức ăn gia vị như hạt tiêu ớt, các thức ăn có đường lactose, đa số người bệnh rối loạn cơ năng đại tràng bị thiếu lactose. Không nên ăn các thức ăn chứa nhiều cellulose khó tiêu như cam, xoài, mít,… Đối với người táo bón thì nên ăn thêm rau chống táo, đối với người ỉa chảy cần ăn thức ăn đặc dễ tiêu, đối với người đầy hơi không dùng đồ uống có gaz. Khi ăn nên nhai kĩ, ăn chậm, không nên ăn quá nhiều một lúc.
Đi đôi với việc ăn kiêng là luyện tập thói quen đi đại tiện vào giờ nhất định dù là táo bón hay ỉa chảy. Luyện tập thói quen đi đại tiện ngày một lần vào buổi sáng, cần làm động tác xoa bụng trước khi đi ngoài để kích thích gây cảm giác đi ngoài. Nếu đi ngoài phân lỏng nhiều lần cũng phải tập đi ít lần bằng cách cố nhịn. Luyện tập phải công phu và kiên trì.
Thay đổi môi trường sống để tạo không khí thoải mái dễ chịu, tắm biển, suối nước nóng,…
Các thuốc sử dụng trong hội chứng ruột kích thích tùy vào triệu chứng lâm sàng nổi bật ở trên bệnh nhân:
-Đau bụng: Thuốc tác động vào hệ thần kinh ruột tác dụng giảm đau, giảm các triệu chứng đày bụng, căng trướng.
+ Thuốc kháng cholinerhique: atropin, scopolanin, hyoscin
+Thuốc chống co thắt: mebeverin, alverin…
– Táo bón: chỉ dùng khi táo bón kéo dài
+ Nhuận tràng thẩm thấu
+ Nhuận tràng kích thích…
– Chống tiêu chảy: Loperamid, smecta,…
– Vitamin, yếu tố vi lượng.
Nguồn tham khảo:
– Bệnh học Nội khoa Tập 2 Trường Đại học Y Hà Nội.