Oops! It appears that you have disabled your Javascript. In order for you to see this page as it is meant to appear, we ask that you please re-enable your Javascript!

Bệnh tiêu chảy

Tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy được định nghĩa bởi Tổ chức Y tế Thế giới khi bệnh nhân có số lần đi phân lỏng nhiều hơn ba lần mỗi ngày hoặc bệnh nhân ấy đi tiêu nhiều phân hơn lúc khỏe mạnh.

Tiêu chảy cấp tính được Tổ chức Vị tràng học Thế giới (World Gastroenterology Organisation) định nghĩa là đi tiêu phân lợn cợn hoặc phân lỏng liên tục một cách bất thường kéo dài gần 14 ngày.

Tiêu chảy

Bệnh thường có liên quan đến những nguyên nhân nhiễm khuẩn. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Nguyên nhân này là do mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột (do vệ sinh ăn uống kém). Các vi khuẩn có hại khi xâm nhập vào đường ruột và nếu chúng mạnh hơn vi khuẩn có lợi chúng sẽ lấn áp các vi khuẩn có lợi và tiết ra độc tố gây nên tiêu chảy. Nhưng nguyên nhân bệnh cũng có thể do tích lũy trong khoang bụng những dịch có áp suất thẩm thấu cao không hấp thụ được, như trong trường hợp thiếu hụt lactose hoặc do những kích thích ở dạ dày ruột, một nguyên nhân nữa là cũng có thể do ruột có cấu tạo hoặc khả năng nhu động không bình thường.

Tiêu chảy thường mắc nhiều nhất là do nhiễm virut Rotavirus, chiếm đến 40% trường hợp tiêu chảy ở trẻ dưới năm tuổi. Tuy nhiên, tiêu chảy ở những khách du lịch phần lớn là do nhiễm khuẩn. Các loại độc chất như ngộ độc do nấm và thuốc cũng có thể gây tiêu chảy cấp.

Tiêu chảy mãn tính có thể là do mắc các bệnh mãn tính ảnh hưởng đến đường ruột. Các nguyên nhân phổ biến gồm có: viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, không dung nạp axít mật,…

Chứng tiêu chảy nhẹ mãn tính ở trẻ dưới ba tuổi có thể xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng và không do bệnh nào khác gây ra; tiêu chảy này gọi là tiêu chảy trẻ con.

Vắc-xin Rotavirus góp phần giảm tỷ lệ mắc tiêu chảy trong dân chúng. Nhiều vaxin mới chống rotavirus, Shigella, ETEC, và khuẩn tả, cũng như là các nguyên nhân gây tiêu chảy do nhiễm khuẩn khác, đang được nghiên cứu phát triển.

Lợi khuẩn cũng giúp giảm nguy cơ gây tiêu chảy do dùng kháng sinh. Việc khuyến khích rửa tay sạch sẽ giúp giảm đáng kể khả năng mắc tiêu chảy.

Ở nhiều trường hợp mắc tiêu chảy, bù dịch là biện pháp chữa trị duy nhất cần đến (thường dùng Oresol). Thường là biện pháp bù dịch bằng đường uống, trong trường hợp nghiêm trọng thì bằng đường truyền qua tĩnh mạch.

Bù dịch:

Bù dịch đường uống có thể được sử dụng để ngăn chặn bị mất nước. Các dung dịch làm ở nhà như nước cơm pha muối, nước ya-ua pha muối, súp gà và rau củ với muối cũng có thể được cho bệnh nhân dùng. Với mỗi lít nước dung dịch gạo rang hoặc ngũ cốc nấu nước cho vào từ ½ đến một thìa cà phê muối. Một ấn phẩm của Tổ chức y tế thế giới dành cho y bác sĩ hướng dẫn làm dung dịch bù nước đường uống tại nhà gồm 1 lít nước pha với 1,5-3gr (từ ½ – 1 thìa cà phê) muối và 18gr (hai thìa súp) đường (vị gần giống vị nước mắt). Tuy nhiên không nên cho bệnh nhân tiêu chảy uống dung dịch chứa quá nhiều đường và muối, vì như thế sẽ khiến việc mất nước còn trầm trọng hơn.

Nếu có thì nên cho vào một lượng phù hợp kẽm và kali. Dù có hay không có sẵn hai chất này thì cũng không nên trì hoãn việc bù nước. Như WHO khuyến cáo, điều quan trọng nhất là bắt đầu ngăn chặn việc mất nước càng sớm càng tốt.

Trong khoảng một hay hai giờ đầu uống dung dịch bù muối, bệnh nhân thường hay nôn ói, đặc biệt là nếu một trẻ uống dung dịch này quá nhanh. Nếu trường hợp này xảy ra, chờ 5 – 10 phút sau hãy cho trẻ từ từ uống dung dịch lại.

Trẻ dưới năm tuổi không nên uống lượng lớn đường đơn, như nước ngọt và nước trái cây, vì những thứ này có thể làm tăng việc mất nước.

Nhóm bù nước và chất điện giải:

Oresol là thuốc thường được sử dụng chủ yếu. Nước và chất điện giải đóng góp một vai trò quan trọng trong cơ thể con người trong việc tạo ra sự cân bằng về sinh hoá vì vậy nếu thiếu hụt chúng, cơ thể sẽ có những rối loạn nhất định.

Oresol thường được đóng gói dưới dạng bột khô dễ tan trong nước. Có dạng gói dành cho trẻ em và cho người lớn. Thông thường một gói có thể pha trong 1000ml nước đun sôi để nguội và uống trong ngày. Đây là cách bù nước hiệu quả nhất có thể làm khi bị tiêu chảy và còn có thể uống được.

Ăn uống:

Tổ chức y tế thế giới khuyến nghị tiếp tục cho trẻ bị tiêu chảy ăn uống bình thường. Tiếp tục ăn uống sẽ đẩy nhanh tốc độ hồi phục hoạt động bình thường của đường ruột. Ngược lại, những trẻ bị cấm đoán ăn uống sẽ bị tiêu chảy kéo dài lâu hơn và việc hồi phục chức năng của đường ruột sẽ chậm hơn. Trẻ nhỏ vẫn nên tiếp tục được cho bú mẹ. Trường hợp bị tả cũng nên được tiếp tục cho ăn uống bình thường.

Thuốc:

Ở một vài trường hợp tiêu chảy cấp tính, các thuốc kháng sinh hữu ích, tuy nhiên thường thì kháng sinh không được sử dụng. Một số quan ngại rằng kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ bị hội chứng tan huyết urê ở những người bị nhiễm Escherichia coli O157:H7. Ở những nước nghèo, việc điều trị bằng kháng sinh có thể hiệu quả. Tuy nhiên, một số vi khuẩn có thể kháng thuốc, đặc biệt là khuẩn Shigella. Kháng sinh cũng có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy, và tiêu chảy do kháng sinh là tác dụng phụ phổ biến nhất của việc điều trị bằng kháng sinh.

Hoạt chất bismuth (Pepto-Bismol) làm giảm số lần đi đại tiện ở những khách du lịch mắc tiêu chảy, nhưng lại không làm giảm thời gian mắc bệnh. Các chất chắn acid mật như cholestyramine có thể có tác dụng trong trường hợp bị tiêu chảy mãn tính do không hấp thu acid mật

Tiêu chảy cấp tính:

Nhóm thuốc chống tiêu chảy chính là các chất hấp phụ như attapulgit, kaolin, pectin và nhóm các thuốc làm giảm nhu động ruột như diphenoxylat, loperamid và codein. Các thuốc nhuận tràng tạo khối phân lớn cũng được dùng như methylcellulose do tính chất hấp thu của chúng. Chất ức chế calmodulin là zaldarid có hiệu quả làm giảm triệu chứng tiêu chảy.

Tiêu chảy mãn tính:

Thường có liên quan đến một bệnh nào đó trên cơ thể, nên việc chữa triệu chứng tiêu chảy không thích hợp bằng chữa nguyên nhân gây bệnh, ví dụ như dùng cholestyramin chữa tiêu chảy liên quan đến sự hấp thu các acid mật kém. Trong trường hợp không loại trừ được bệnh đã gây ra tiêu chảy mạn tính thì có thể mới chữa triệu chứng, ví dụ như tiêu chảy của bệnh nhân đái tháo đường.

Nguồn tham khảo:

http://www.who.int/topics/diarrhoea/en/

https://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%C3%AAu_ch%E1%BA%A3y