Ung thư dạ dày là bệnh ác tính, khá phổ biến trên thế giới và trong nước, đứng hàng đầu về ung thư đường tiêu hóa và chiếm 10,5% trong các loại ung thư, nguyên nhân còn chưa rõ, chẩn đoán sớm khó khăn và tiên lượng nặng.
Tỷ lệ mắc bệnh khác nhau từng khu vực. Ở châu Á chiêm 2/3 tổng số ung thư dạ dày của thế giới; cao nhất ở Nhật Bản, Trung Mỹ, Chilê, Columbia với tỷ lệ mắc là 30 – 80/100.000 dân. Tỷ lệ mắc bệnh của châu Âu, Bắc Mỹ thấp nhất (0 – 15/100.000 dân). Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh là 12,5/100.000 dân (thống kê của bệnh viện K Hà Nội năm 1993 – 1995)
– Ung thư dạ dày thường gặp ở độ tuổi 50 – 60, tuổi dưới 40 ít gặp hơn.
– Giới: nam gặp nhiều hơn nữ 2 lần. Ở nam, ung thư dạ dày đứng hàng thứ hai sau ung thư phế quản. Ở nữ, ung thư dạ dày đứng hàng thứ tư sau ung thư vú, tử cung, đại tràng.
Căn nguyên bệnh sinh của bệnh ung thư dạ dày cho đến nay vẫn chưa được biết rõ nhưng có một số yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày:
Yếu tố ngoại sinh | Yếu tố nội sinh |
– Vi khuẩn Helicobacter Pylori – Thói quen ăn uống: các loại thực phẩm và nước uống chứa nhiều nitrat làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày cao. – Do mức sống: nhóm người thuộc tầng lớp kinh tế xã hội thấp, tỷ lệ ung thư dạ dày cao. |
– Viêm teo niêm mạc dạ dày. – Dị sản ruột ở niêm mạc dạ dày. – Loạn sản biểu mô niêm mạc dạ dày. – Sau cắt dạ dày. – Bệnh loét dạ dày. – Polyp dạ dày. – Dùng lâu dài thuốc ức chế thụ thể H2-histamin. – Nhóm máu A hay bị ung thư dạ dày hơn các nhóm máu khác. – Yếu tố gia đình: tỷ lệ cao gấp 4 lần so với những người gia đình không có ai bị ung thư dạ dày. |
Một số triệu chứng của ung thư dạ dày:
– Rối loạn tiêu hóa:
+ Đầy bụng sau khi ăn và khó tiêu (lúc đầu thì thỉnh thoảng, về sau trở thành thường xuyên).
+ Ăn mất ngon.
+ Buồn nôn và nôn sau khi ăn, mức độ ngày càng tăng, lúc đầu nôn ít, sau nôn nhiều (với bất kỳ loại thức ăn nào).
– Thay đổi đặc tính cơn đau: mất chu kỳ, kéo dài hơn, không giảm đi khi dung thuốc (loại thuốc trước đây bênh nhân vẫn dùng có tác dụng tốt).
-Thiếu máu hoặc kèm theo đi ỉa phân đen.
– Suy nhược, mệt mỏi, sút cân.
– Sôt dai dẳng không tìm được nguyên nhân cụ thể.
– Có thể sờ thấy khối u vùng thượng vị ở giai đoạn muộn.
Phân loại ung thư dạ dày theo TNM cho phép đánh giá tiên lượng sống của bệnh nhân. Độ lớn của u (T), tổn thương hạch (N), di căn các tạng (M).
-Nếu ung thư chỉ giới hạn ở bề mặt (T1, T2 – M0 N0 hoặc N1), sau khi cắt bỏ u có thời gian sống trên 5 năm là 90%.
– Nếu ung thư ở giai đoạn lan rộng ở (T3 – N2), sau khi cắt bỏ u có thời giam sông trên 5 năm chỉ còn 10 – 20%.
– Nếu ung thư ở giai đoạn xâm lấn (T4) và đã có di căn xa (M1) hoăạc sau cắt bỏ u không thể lấy hết hạch (N3), hầu như rất ít khi sống quá 5 năm.
Các biến chứng có thể có:
– Chảy máu tiêu hóa: nôn ra máu, ỉa phân đen.
– Hẹp môn vị: nôn ra thức ăn cũ.
– Thủng dạ dày: bụng cứng như gỗ, choáng.
– Xâm lấn, chèn đẩy các tạng xung quanh, di căn ra các tạng xa đặc biệt là Gan: gan to, mặt gan lổm nhổm; di căn hạch: sờ thấy hạch ở hố thượng đòn trái.
Điều trị ung thư dạ dày:
– Loại bỏ hoàn toàn khối u bằng phẫu thuật.
– Kết hợp xạ trị và hóa trị liệu hạn chế sự phát triển của khối u.
– Kết hợp điều trị triệu chứng, biến chứng và nâng đỡ cơ thể, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Theo dõi sau điều trị:
Bệnh nhân ung thư dạ dày sau phẫu thuật cần phải khám định kỳ 3 tháng/lần trong 3 năm đầu, sau đó 6 tháng/lần trong 2 năm tiếp theo và 1 năm/lần trong những năm sau. Ở mỗi năm, cần kiểm tra công thức máu, chức năng gan, chụp tim phổi, nội soi dạ dày, nhất là khi có các triệu chứng mới.
Nguồn tham khảo:
– Nội Tiêu hóa – Học viện Quân y