Viêm dạ dày mạn tính là tình trạng tổn thương có tính chất kéo dài và tiến triển chậm không đặc hiệu, có thể lan tỏa hoặc khu trú tại một vùng của niêm mạc dạ dày, hậu quả cuối cùng có thể dẫn tới viêm teo niêm mạc dạ dày.
Cho tới nay, nguyên nhân viêm dạ dày mạn tính vẫn chưa được xác định rõ. Tuy vậy, có nhiều yếu tố được coi là tác nhân gây bệnh. Một bệnh nhân viêm dạ dày mạn tính thường có nhiều yếu tố phối hợp. Một số nguyên nhân được nhiều tác giả công nhận:
– Rượu.
– Thuốc lá.
– Các thuốc giảm đau chống viêm không steroid và steroid.
– Chế độ ăn: ăn nhiều gia vị chua cay, chế độ ăn thiếu đạm, thiếu các vitamin, răng không tốt, sức nhai kém, lạm dụng cà phê, chè đặc, ăn không đúng giờ,..
– Các yếu tố cơ học, hóa – lý (phóng xạ, quang tuyến), một số thuốc nhuận tràng dùng kéo dài, các thuốc bột kiềm gây trung hòa dịch vị quá mức dẫn tới phản ứng đột biến tăng acid HCl làm tổn thương niêm mạc dạ dày.
– Các yếu tố nhiễm khuẩn: gây viêm dạ dày mạn tính hoặc duy trì viêm dạ dày mạn tính (đặc biệt cần chú ý các nhiễm khuẩn ở tai, mũi, họng, răng, viêm phế quản mạn tính).
– Các rối loạn tâm lý, rối loạn thần kinh thực vật có thể gây nên viêm dạ dày và rối loạn tiêu hóa.
– Do trào ngược dịch tá tràng vào dạ dày: các chất như muối mật, acid mật phá vỡ sức căng bề mặt của lớp nhầy bao phủ dạ dày, làm tăng sự khuếch tán các ion H+ kéo dài gây ra viêm dạ dày mạn tính.
– Rối loạn nội tiết: trong suy yếu tuyến yên, bệnh Hashimoto, thiểu năng cận giáp, bệnh Addison, bệnh đái đường,..
– Dị ứng: trong một số bệnh ngoài da (mày đay,eczema, lichen…) hoặc do ăn uống.
– Yếu tố miễn dịch: mới đây phát hiện thấy có các kháng thể kháng tế bào thành, kháng yếu tố nội sinh (chỉ thấy trong bệnh Biermer), song cơ chế bệnh chưa rõ.
– Yếu tố di truyền: thấy rõ hơn cả trong bệnh Biermer (hấp thu B12 kém).
– Vai trò của vi khuẩn Helicobactẻ pylori (Hp).
Không có dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của viêm dạ dày mạn tính. Bệnh nhân có những rối loạn chức năng (tương tự như trong rối loạn tiêu hóa, xảy ra sớm sau khi ăn, nhất là sau bữa ăn trưa):
– Cảm giác nặng bụng, trướng bụng, ợ hơi, nhức đầu, mặt đỏ, cảm giác đắng miệng vào buổi sáng, buồn nôn, nôn, chán ăn, táo lỏng thất thường.
– Nóng rát vùng thượng vị: xuất hiện sau hoặc trong khi ăn, đặc biệt rõ sau ăn uống một số thứ như bia, rượu, gia vị cay, chua hoặc ngọt. Sau ăn xuất hiện nóng rát có thể là do trào ngược dịch mật vào dạ dày. Có một số trường hợp nóng rát xuất hiện muộn sau bữa ăn.
– Đau vùng thượng vị: không đau dữ dội, thường chỉ là cảm giác khó chịu, âm ỉ, thường xuyên tăng lên sau khi ăn.
Viêm dạ dày mạn tính tiến triển từ từ, có thể có các biến chứng: ung thư dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, viêm quanh dạ dày – tá tràng, viêm túi mật mạn tính, viêm tụy mạn tính.
Điều trị dựa vào nguyên nhân gây bệnh, các triệu chứng kèm theo và đặc biệt là điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi:
– Cần tránh tuyệt đối các thức ăn gây kích thích niêm mạc dạ dày: rượu, bia, thuốc lá, thức ăn chhua cay, các loại nước ngọt có nhiều ga.
– Nên ăn nhiều bữa trong ngày, mỗ bữa không nên ăn quá no.
– Nên dùng các loại nước khoáng có nhiều calci.
– Nghỉ ngơi hợp lí, không thức khuya…
Nguồn tham khảo:
– Nội Tiêu hóa – Học viện Quân y