Loét dạ dày tá tràng (peptic ulcer) là sư phá hủy tại chỗ niêm mạc của dạ dày – tá tràng, tổn thương xuyên sâu qua lớp cơ niêm. Bệnh gây ra bởi acid và pepsin; là bệnh mạn tính, tái phát mang tính chất chu kỳ.
Loét dạ dày – tá tràng là một bệnh khá phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Tỷ lệ mắc bệnh là 5 – 20% dân số. Theo những thống kê gần đây, khoảng 5,6% dân số miền Bắc Việt Nam có triệu chứng của bệnh. Mọi lứa tuổi đều có thể bị loét dạ dày – tá tràng nhưng thường gặp ở tuổi thanh niên và trung niên. Tỷ lệ loét dạ dày nam/nữ là 1/1, tỷ lệ loét tá tràng nam/nữ là 2/1.
Quan điểm hiện nay cho rằng, có thể coi bệnh loét dạ dày – tá tràng là một bệnh có nhiều cơ chế và do nhiều nguyên nhân gây ra. Sự mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ và yếu tố tấn công tại niêm mạc dạ dày đã tạo ra những vết gián đoạn ở niêm mạc.
Yếu tố tấn công | Yếu tố bảo vệ |
– Acid chlohydric và pepsin.
– Tác động của các thuốc không steroid và steroid. – Vai trò của rượu và thuốc lá. – Vai trò của vi khuẩn Hp. |
– Hàng rào bảo vệ niêm mạc.
– Lớp tế bào niêm mạc. – Lớp tổ chức nằm dưới biểu mô. – Vai trò của các prostagladin |
Bên cạnh đó còn có các yếu tố thuận lợi gây bệnh như:
– Yếu tố thần kinh: căng thẳng quá mức và kéo dài.
– Ăn uống: thiếu dinh dưỡng (đạm, vitamin), giờ giấc ăn uống không hợp lý, ăn nhiều gia vị và các chất kích thích (chua, cay, rượu, mù tạc…)
– Nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới.
– Tuổi hay mắc bệnh 20 -40 tuổi.
– Yếu tố gia đình: những người sinh ra ở gia đình có bố mẹ đều bị loét dạ dày – ta tràng thì tỷ lệ loét dạ dày – tá tràng cao gấp 3 lần những người khác…
Một số triệu chứng của viêm loét dạ dày – tá tràng là:
– Đau: đặc tính của loét dạ dày – tá tràng là đau theo chu kì và nhịp điệu. Mức độ đau thượng vị trong loét dạ dày – tá tràng tùy thuộc vào từng bệnh nhân riêng biệt.
+ Vị trí đau: khu trú ở vùng thượng vị. Loét dạ dày thì vị trí đau lệch về bên trái đường trắng giữa, lan lên ngực và sau mũi ức. Loét ta tràng thì vị trí đau lệch về phía bên phải đường trắng giữa, lan ra sau lưng.
+ Mức độ đau: thường đau âm ỉ nhưng cũng có khi dau trội lên từng cơn.
+ Nhịp điệu đau: đau theo giờ nhất định trong một ngày. Trong loét dạ dày, đau xuất hiện sau khi ăn 1 – 2 giờ (đau khi no). Trong loét tá tràng, đau thường xuất hiện sau khi ăn 4 – 6 giờ (đau khi đói).
+ Chu kì đau:
Đau xuất hiện thành từng đợt, mỗi đợt kéo dài và tuần đến và tháng. Hàng năm có thể bị một, hai đến ba đợt đau. Các đợt đau thường xuất hiện vào mùa rét hoặc thay đổi thời tiết. Đó là tính chu kỳ của đau trong bệnh loét dạ dày – tá tràng. Ngoài chu kì, bệnh nhân có thể không đau, ổ loét có thể liền sẹo một cách tự nhiên.
– Rối loạn tiêu hóa:
+ Ợ hơi, ợ chua.
+ Đầy bụng, chậm tiêu, ăn kém, buồn nôn hoặc nôn.
+ Táo lỏng thất thường (loét tá tràng thường hay táo bón).
-Suy nhược thần kinh: hay cáu gắt, nhức đầu, mất ngủ, trí nhớ suy giảm.
Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng diễn biến theo chu kì. Nói chung, nếu được phát hiện sớm, điều trị kiên trì, đúng phương pháp, ổ loét có thể liền sẹo hoàn toàn. Nếu không được điều trị tốt, có thể xảy ra các biến chứng:
– Chảy máu.
– Thủng ổ loét.
– Hẹp môn vị.
– Viêm quanh tá tràng.
– Loét dạ dày, đặc biệt ổ loét ở bờ cong nhỏ có khả năng ung thư hóa.
Điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng bằng nội khoa một cách tích cực: điều trị nguyên nhân kèm triệu chứng. Điều trị ngoại khoa chỉ đặt ra khi có biến chứng hoặc điều trị nội khoa lâu ngày có hệ thống nhưng không có kết quả, ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng lao động.
Bên cạnh đó điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng:
– Ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, tránh mọi chất kích thích (rượu, thuốc lá, cà phê, chè đặc,…).
– Nghỉ ngơi, thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng.
Nguồn tham khảo:
– Nội Tiêu hóa – Học viện Quân y