Mã đề không chỉ dùng làm rau phổ biến trong dân gian, mà còn là cây thuốc quen thuộc về tác dụng lợi tiểu và chữa các bệnh tiết niệu, giải độc, cầm máu, phù thũng… Ngay từ thời xa xưa, người ta đã đề cao vai trò của vị thuốc này, minh chứng trong câu ca dao sau:
…Trạch tả – tính vị hàn cam,
Lợi tiểu phù thũng, trọc lâm cho liền.
Thông tiểu tiện có Xa tiền,
Ngọt hàn lợi thấp, thận viêm cũng cần…
Hai vị thuốc được nhắc đến là Trạch tả và Xa tiền (hay còn gọi tên là Mã đề). Ngoài ra, còn nhiều vị thuốc khác được phối hợp sử dụng trong điều trị các chứng viêm thận, sỏi thận, bí tiểu… như: Kim tiền thảo, Râu mèo, Mộc thông, Mía dò, Cỏ tranh…
Dưới đây chúng tôi xin gửi tới bạn đọc một số thông tin về cây thuốc Mã đề:
Mã đề (Tên khoa học: Plantago major L., họ Mã đề Plantaginaceae) có tên khác là Xa tiền. Bộ phận dùng của cây gồm toàn cây (xa tiền thảo), hạt (xa tiền tử) và lá (xa tiền). Về nguồn gốc tên gọi Mã đề, có giải thích rằng Mã là ngựa, Đề là móng, tức là những nơi ngựa qua lại thường mọc cây này.
Mã đề là cây thân thảo, sống quanh năm, tái sinh bằng nhánh và hạt. Lá hình trứng hoặc thìa, có cuống dài, đầu tù, hơi có mũi nhọn, hoa mọc thành bông, hạt màu nâu đen bóng. Cây rất dễ sống nên phân bố ở nhiều nơi: từ nơi ẩm ướt ở vùng đồng bằng, vùng ven biển cho đến các khu vực bán sơn địa và vùng núi cao.
Trong Mã đề có chứa các vitamin A, K, C, chất nhầy, chất đắng và các chất hóa học, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, cầm máu,… dùng chữa phù thũng, bí tiểu tiện, đi tiểu ra máu, ho lâu ngày, viêm khí quản, đau mắt đỏ. Lá cây tươi giã nhỏ đắp lên trị mụn nhọt, toàn cây có thể nấu thành cao đặc để chữa bỏng.
Trong Y học cổ truyền có một số bài thuốc chữa bệnh Thận chứa các vị thuốc của Xa tiền như sau:
Mã đề dễ trồng nên được trồng nhiều nơi để làm rau và làm thuốc, hiện có bán ở nhiều quầy thuốc đông y, phòng khám, khoa dược của viện YHCT,…. do đó tìm kiếm vị thuốc này không hề khó. Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý phân biệt vị thuốc Xa tiền tử (hạt rất nhỏ, đen nhánh, hình lá gan) dễ bị nhầm lẫn với các vị thuốc:
Thỏ ty tử (hạt rất nhỏ tròn, màu hơi xanh)
Bạch giới tử (hạt rất nhỏ màu nâu sáng)
La bặc tử (hạt to hơn, màu nâu đen, cắn thấy nhiều chất nhầy)
Phá cố chỉ (hạt cay, đen, mẩy, thơm, nhiều dầu, hình quả thận).
Tốt nhất khi tìm mua và sử dụng thuốc, bạn nên chọn những địa điểm có uy tín hoặc nhờ người có kinh nghiệm hướng dẫn để tránh nhầm lẫn khi điều trị.
Trên đây là một số thông tin về cây thuốc Mã đề, để tìm hiểu thêm về tác dụng và cách dùng của những vị thuốc thảo dược khác có cùng công dụng chữa bệnh Thận, mời các bạn đón đọc những bài viết khác của chúng tôi.
Chúc bạn sức khỏe!
Kim Anh