Oops! It appears that you have disabled your Javascript. In order for you to see this page as it is meant to appear, we ask that you please re-enable your Javascript!

Vị thuốc từ cây râu mèo

Râu mèo

Thế giới thực vật muôn hình muôn vẻ. Có những cây đặc trưng dễ nhận biết, có những cây lại giống nhau và dễ gây nhầm lẫn. Cách mà con người đặt tên cho mỗi loài cây cũng rất đa dạng. Người thì gọi tên theo nguồn gốc xuất hiện của cây, người khác lại đặt tên cây theo công dụng của nó, một số cây thì được gọi tên theo đặc điểm hình thái, chẳng hạn như cây Râu mèo.  Tên râu mèo xuất phát từ hình dáng của nhị hoa thò dài ra bên ngoài trông như bộ râu mèo vậy.

Râu mèo có tên khoa học là Orthosiphon spiralis (Lour.) Merr.)

Râu mèo (tên gọi khác là Cây bông bạc) có tên khoa học là Orthosiphon spiralis (Lour.) Merr.), họ Bạc hà (Lamiaceae). Là cây cỏ, sống lâu năm, cao 0.5-1m. Thân đứng, hình vuông thường có màu nâu tím. Lá mọc đối, có cuống ngắn, đầu nhọn, mép khía răng cưa to. Cụm hoa Râu mèo mọc thành chùm ở ngọn thân và đầu cành. Hoa màu trắng, nhị và nhụy thò dài ra ngoài trông như râu mèo. Quả dẹt, nhăn nheo.

Cây Râu mèo thường mọc hoang, ưa đất ẩm nhưng không chịu được úng. Ở nhiều nơi nước ta trồng cây bằng cách giâm cành (cắt lấy đoạn 2 mắt lá rồi bỏ bớt 1 mắt lá),  giữ đất ẩm, sau 15 – 20 ngày sẽ cho ra chồi mới.

Vườn râu mèo

Thành phần khoa học chính trong Râu mèo gồm các flavonoid, saponin, coumarin, tinh dầu, chất béo, tannin, đường, muối vô cơ mà phần lớn là muối của kali…

Theo đông y, râu mèo có vị ngọt, mùi hăng, hơi đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, tiêu viêm. Người dân thường thu hoạch khi cây vừa ra hoa, cắt cả lá và ngọn có hoa (tức dùng phần trên mặt đất của cây làm thuốc). Cây tái sinh rất mạnh nên chỉ sau khoảng 60- 75 ngày là thu hoạch được vụ tiếp theo. Dược liệu sau khi thu hái xong cần phơi khô ngay để giữ được màu xanh của lá, bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh sáng. Đông y thường dùng dưới dạng trà, sắc lá tươi hoặc khô để uống mỗi ngày.

Râu mèo làm tăng lượng nước tiểu, làm giảm đường huyết, kháng khuẩn, chống viêm, đặc biệt là tác dụng chống oxy hóa nhờ các flavonoid. Sự có mặt của orthosiphonin và muối kali trong dược liệu có tác dụng giữ cho acid uric và muối urat ở dạng hòa tan, do đó tránh lắng đọng tạo sỏi. Râu mèo được dùng làm thuốc lợi tiểu mạnh, thông mật, giải độc trong các bệnh gan mật, dùng trong sỏi thận, sỏi túi mật, viêm túi mật.

Theo kinh nghiệm nhân dân , thường mỗi ngày dùng 5-6g bột dược liệt pha với nửa lít nước nóng, chia làm 2 lần, uống trước bữa ăn 15-30 phút. Thường uống 8 ngày lại nghỉ 2-4 ngày.

Sau đây là một số bài thuốc hữu hiệu từ Râu mèo:

  1. Sỏi thận – sỏi bàng quang, đau lưng, đi tiểu buốt, tiểu ra máu, tiểu ra sỏi: Cây râu mèo 12g, Kim tiền thảo 16g, Củ gừng 12g, Lá gòn 12g, Chuối hột 12g, Rau đắng 10g, Lá duối 10g, Rau dừa nước 10g, Rễ dứa dại 12g. Sắc uống ngày một thang.
  2. Lợi tiểu, trị phù thũng, sỏi thận, sỏi túi mật: dùng 8–12g Râu mèo nấu với 500ml nước, chia làm 2-3 lần uống trong ngày, uống lúc còn ấm, trước khi ăn cơm.
  3. Trị viêm thận mạn, viêm bàng quang, phong thấp, viêm đường ruột: Râu mèo 40g, Tỳ giải 30g, Ý dĩ 30g. Sắc uống ngày 1 thang.
  4. Viêm gan siêu vi B, người mệt mỏi, kém ăn, mất ngủ, đại tiện bị kết, tiểu tiện buốt rắt, sắc mặt nhợt nhạt, vàng, mắt vàng: Râu mèo 20g, Sâm tanh tách 12g, Tơ hồng 12g, Rễ tranh 16g, rễ khổ qua 12g, Cỏ mực 12g, Cỏ mần trầu 12g, Cam thảo dây 10g, Chó đẻ răng cưa 14g. Ngày uống 1 thang, 1 thang sắc uống 2 lần.
  5. Ngứa dị ứng, nổi những mẩn ngứa, phù toàn thân, hoặc ghẻ ngứa lở loét: Cây râu mèo (sao vàng) 10g, Muồng trâu (sao vàng) 12g, Ké đầu ngựa (Sao vàng) 15g, Kinh giới 10g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

Kim Anh