Oops! It appears that you have disabled your Javascript. In order for you to see this page as it is meant to appear, we ask that you please re-enable your Javascript!

Sa nhân

Sa nhân có tên là Amomum Xanthioides Wall

Hoàng Thị liên

Trước đây Sa nhân luôn được coi như loài dược liệu vô cùng quý trong dân gian, phân bố rất nhiều tại các vùng rừng núi, trung du. Tuy nhiên gần đây loài thảo dược này đã dần lùi sâu vào trong do hoạt động thu hái quá mức, ồ ạt dẫn tới tình trạng báo động. Cây không chỉ là vị thuốc quý mà còn là gia vị trong chế biến các món ăn vô cùng bổ dưỡng.

Sa nhân có tên là Amomum Xanthioides Wall

Theo ngôn ngữ Hán Việt, sa có nghĩa là cát, sỏi, khi nhai hạt của cây giống như nhai cát nên được gọi là sa nhân. Ngoài ra, sa nhân còn được gọi với nhiều tên khác như mác nẻng (dân tộc Tày), co nénh (dân tộc Thái), Dương Xuân Sa…Với khoa học hiện đại, sa nhân có tên là Amomum Xanthioides Wall.

Sa nhân ở vùng rừng núi và trung du

Sa nhân là một loại cây thân thảo, thuộc họ Gừng-Zingiberaceae. Cây hơi giống cây giềng nhưng thân rễ không thành củ, mà mọc bò ngang, chằng chịt như mạng lưới. Sa nhân chủ yếu là mọc hoang, tập trung nhiều ở vùng rừng núi và trung du, dưới tán cây râm mát, chỗ ẩm ướt như bờ rẫy, thung lũng. Rừng Cúc Phương, Bắc Cạn, Quảng Ninh…là những nơi tập trung khá nhiều loài thảo dược này.

Tác dụng trong chế biến món ăn:

Trong giới ẩm thực, sa nhân cũng chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong chế biến phở bò truyền thống. Sa nhân được sao thơm cho vào nước dùng, có tác dụng khử mùi hôi của xương bò, đồng thời kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng. Không những vậy, sa nhân còn được hầm với hạt sen, ý dĩ là món ăn vô cùng bổ dưỡng cho những người bị đau dạ dày, giúp tăng cường sức khỏe tiêu hóa tốt. Có thể thấy Sa nhân rất có ý nghĩa trong chế biến các món ăn.

Tác dụng làm thuốc:

Trong dân gian có lưu truyền lại rằng:

Sa nhân, cay ấm yên thai

Đau bụng, đầy bụng lại tài chống nôn

Vị thuốc Sa nhân – đặc biệt là hạt của quả chín, phơi khô rất có ích trong điều trị các bệnh về đường tiêu hóa, chữa đau bụng lạnh, đầy hơi, ăn không tiêu, nôn mửa, động thai. Bởi lẽ, sa nhân có vị cay, tính ấm, mang theo tinh dầu, do đó kích thích tiêu hóa, đem lại cảm giác ăn ngon miệng, thèm ăn.

Theo kinh nghiệm dân gian, tùy vào từng bệnh mà có cách chế biến hạt khác nhau, đem lại hiệu quả cao trong điều trị:

+ Ăn không tiêu, trướng đầy: Để cả vỏ sao vàng

+ Ăn không tiêu, không trướng đầy: Bỏ vỏ lấy hạt sao qua

+ Trị thủy thũng: Dùng toàn vỏ, sao hơi sém cạnh

Các bài thuốc thường dùng có thể tham khảo:

– Chữa viêm loét dạ dày tá tràng, thường đầy bụng. đau vùng thượng vị, nôn nhiều, mệt mỏi: Sa nhân 10g, Sâm bố chính 12g, Lá khôi 20g, Gừng 4g, Nam mộc hương 10g, Bán hạ chế 6g, Trần bì 6g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa rối loạn tiêu hóa do kém hấp thu, viêm đại tràng mãn: Sa nhân 8g, Sâm bố chính 12g, Trần bì 8g, Củ mài 12g, Ý dĩ sao 12g, Gừng khô 6g, Vỏ rụt 6g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa phụ nữ có kinh nguyệt không đều, người hay mệt mỏi, dễ cáu gắt, hay đau bụng dưới  và đau tức lưng: Sa nhân 12g, Thảo quyết minh 16g, Ích mẫu 20g, Sài hồ 16g, Hoàng kỳ 16g, Hương phụ 16g, Dây đau xương 16g, Vỏ sung 20g, Mạch nha 16g, Ý dĩ 16g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

Sa nhân có nhiều loài, tuy nhiên trong Y học cổ truyền thường dùng chủ yếu là hai loài sa nhân tím và sa nhân trắng, vì có giá trị dược liệu cao. Do đó, nếu bạn muốn mua thì nên chọn 2 loại sa nhân trên, sẽ đem lại hiệu quả tốt cho sức khỏe. Và cần chú ý rằng, phải để dược liệu nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm nóng làm hỏng mất tinh dầu thơm, giảm giá trị của vị thuốc.

Hoàng Liên