Cỏ tranh (Bạch mao) rất quen thuộc với nhiều người, nhất là dân vùng đồi núi hay nông thôn. Cỏ tranh dùng lợp mái nhà của người dân tộc, hoa cỏ tranh dùng làm cờ tập trận của con trẻ, thậm chí cỏ tranh còn được coi là “kẻ thù của nhà nông”… Nhưng không phải ai cũng biết được tác dụng chữa bệnh tuyệt vời của loài cỏ hoang này:
Đái buốt đào rễ Bạch mao,
Đái dầm con trẻ hoa mồng gà khô…
Vì sao lại gọi là cỏ tranh? Có lẽ do đặc tính sống mọc cạnh tranh với cây khác, nhất là hoa màu nên mới có tên gọi như thế. Trong Đông y, người ta dùng rễ của cỏ tranh làm vị thuốc gọi là Bạch mao căn – tức là rễ của cây có hoa trắng mịn như lông (bạch = trắng, mao = lông, căn = rễ).
Cỏ tranh có tên khoa học là Imperata cylindrica L., thuộc Họ lúa (Pocaceae). Cây mọc hoang nhiều ở miền núi, trên đồi khô, trống trải, phân bố ở cả 3 miền Bắc Trung Nam nước ta, rất khó trừ diệt. Khu vực thành phố ít gặp Bạch mao, nhưng vẫn có thể thấy cỏ mọc lên ở những vùng đất đang quy hoạch chờ xây dựng… do vậy, tìm kiếm vị thuốc này rất dễ dàng.
Bạch mao có thân rễ chắc, dai, ăn sâu xuống đất. Thân cây có lông cứng, lá hẹp dài có gân chính to, ráp ở mặt trên, nhẵn ở mặt dưới. Cụm hoa cỏ tranh màu trắng bạc, nhiều bông nhỏ có lông tơ mịn, có khả năng phát tán rất xa nhờ gió. Thân rễ bạch mao mềm, hình trụ nhỏ tròn, hơi cong queo, sắc vàng ngà, nhiều đốt và dai. Thường hay lẫn với rễ Ma hoàng cứng màu xanh nhạt, đốt thưa, có vị đắng tê lưỡi, vê tay thấy mùi thơm. Hoặc có trường hợp nhầm Bạch mao căn với Thạch hộc: thân có đốt kèm bầu phồng màu vàng.
Thu hái thân rễ cỏ tranh về, chúng ta rửa sạch rồi phơi sấy khô để dùng dần. Chú ý mép lá rất sắc, dễ cứa đứt tay nên phải cẩn thận khi thu hoạch. Bạch mao căn thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất là vào mùa thu, vì khi đó vị thuốc sẽ có hàm lượng hoạt chất và các chất dinh dưỡng cao nhất. Trong rễ cỏ tranh có chứa nhiều đường glucose, fructose (tới 18%) nên có vị ngọt, các acid hữu cơ và muối khoáng, khi đốt có vị mặn.
Cây có tác dụng chữa sốt, khát, hoàng đản, tiểu ít, đái buốt, đái ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, hen suyễn… mỗi ngày uống 10-50g thuốc sắc.
Trong Y học cổ truyền có 1 số bài thuốc chữa bệnh nhờ vào tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc của Bạch mao căn:
Người suy nhược cần cẩn trọng khi sử dụng. Phụ nữ có thai chú ý không nên dùng rễ cỏ tranh.
Kim Anh