Thuốc Nam là các dược liệu dùng để chữa bệnh có nguồn gốc từ phía Nam, được hiểu là xuất phát từ địa lý nước Việt Nam từ xưa đến nay. Khác với thuốc Bắc là dược liệu được thu hái từ phương Bắc, chủ yếu là Trung Quốc. Tuy nhiên cũng có một số dược liệu vẫn quen gọi là thuốc Bắc nhưng lại có nguồn gốc chủ yếu ở Việt Nam như: Ba kích, Thảo quả, Sa nhân… Ngoài ra, còn có rất nhiều loại dược liệu sinh trưởng ở đều cả 2 vùng địa lý là: Quế, Hoài sơn, Đương qui, Sinh địa… Phương Bắc khí hậu khắc nghiệt, khô và rét nhiều nên dược liệu làm thuốc từ các loại củ, quả thường tốt hơn phương Nam. Ngược lại, các loài lấy hoa, lá, rễ để làm thuốc thì phương Nam lại tốt hơn do đặc điểm khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều.
Tiền nhân có câu “Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lập công” là chỉ tác dụng của thuốc Nam là công phạt hợp với chứng thực, thuốc Bắc thiên về bổ dưỡng chữa chứng hư.
Lịch sử thuốc Nam ra đời cùng với các thời kỳ sinh sống khởi thủy của các bộ lạc, do cuộc sống hàng ngày va chạm, ứng dụng mà thành. Đầu tiên người xưa cũng chỉ biết tới tác dụng của chúng thông qua quá trình tìm kiếm thức ăn, rồi rút kinh nghiệm mà lưu truyền lại trong dòng tộc, họ tự gọi đó là thuốc “Giấu” có ý không truyền thụ ra ngoài. Sau đến thời Phong kiến mới hình thành nên các thày thuốc chữa bệnh chuyên nghiệp, nhưng vẫn mang nhiều tư duy, vận dụng kiến thức trong sách vở của người Trung Hoa sở trường dùng thuốc Bắc nhiều hơn. Tồn tại song song với các vị Nho, Y, Lý , Số là các thày lang chuyên bốc thuốc Nam chữa bệnh cho nhân dân.
Lịch sử thuốc Nam thực sự được hình thành từ thời Danh Y Tuệ Tĩnh (Thế kỷ 14), thể hiện qua tác phẩm “Nam dược thần hiệu” với 11 cuốn bao gồm 580 vị thuốc Nam, 3873 bài thuốc chữa 182 chứng bệnh trong 10 khoa lâm sàng. Tuệ Tĩnh là người đầu tiên nêu cao khẩu hiệu “Nam dược trị Nam nhân” (Thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam). Ông được người đương thời và người đời sau coi là vị “Thánh thuốc Nam”, đền thờ ông ở 3 nơi: Chùa Giám (nơi làm thuốc), Đền Bia (nơi bia đá của ông bị chìm), Đền Xưa (nơi ông sinh ra), đều thuộc huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Kỷ niệm ngày của ông (thường gọi là giỗ) vào ngày 15/2 âm lịch hàng năm ở cả 3 địa điểm trên, được coi là ngày hội của Y học cổ truyền Việt Nam.
Từ đó tới trước khi người Pháp đô hộ, nền Y học cổ truyền Việt Nam chưa ghi nhận thêm sự phát triển về thuốc Nam nào. Về ứng dụng trong dân gian thì các thày lang, thày đồ dạy học vẫn ứng dụng chữa bệnh cho nhân dân chủ yếu là chữa trong xóm làng, gia tộc. Từ khi người Pháp đô hộ, họ chủ yếu tuyên truyền, dạy học các phương pháp cũng như ứng dụng các thuốc Phương Tây vào Việt Nam. Lập ra trường Cao đẳng Y dược Đông dương nhằm đào tạo các thày thuốc Tây y, những vấn đề lịch sử ấy còn tồn tại tới tận ngày nay.
Sau năm 1945, chính phủ ta cũng đã có nhiều quan tâm, có chính sách cho sự phát triển, ứng dụng và bảo tồn nguồn thuốc Nam, tuy nhiên các chiến lược ấy luôn bị gián đoạn bởi chiến tranh, sự phát triển kinh tế.
Một số ghi nhận về sự phát triển thuốc Nam trong suốt thời gian này phải kể đến một số nhân vật: Số một là ông Nguyễn Kiều, là người sáng lập ra trường Y Học Dân Tộc Tuệ Tĩnh (3/1971) trực thuộc Chính phủ quản lý (giấy phép thành lập: Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa – trường Y học Dân Tộc Tuệ Tĩnh) nằm tại thôn Đồng Quan, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Tây. Với sự ham mê và am hiểu cách dùng thuốc Nam chữa bệnh, ông đã truyền nghề của mình và tư tưởng “Thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam”của Tuệ Tĩnh cho học trò một cách triệt để, hầu hết các học trò của ông đều say mê thuốc Nam và ứng dụng thành thạo thuốc Nam trong chữa bệnh. Sau này khi ông mất trường chuyển về Trần Phú, Hà Đông với cái tên mới “Bộ Y Tế – Trường Y học Dân Tộc Tuệ Tĩnh”, chính là tiền thân của Học Viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam bây giờ.
Một số nhân vật tiếp theo đó là: Đỗ Tất Lợi – tác giả cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, cuốn sách nêu được 720 loài; Võ Văn Chi với cuốn “Từ điển cây thuốc Việt Nam” đã giới thiệu 4700 loài; Nguyễn Viết Thân với cuốn “Cây thuốc Việt nam và những bài thuốc thường dùng” gồm 3 tập đã nêu ra hơn 600 cây thuốc và vị thuốc Nam; Viện Dược liệu Trung ương với cuốn “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam” nêu được 920 loài. Đặc biệt 2 tác giả Đỗ Tất Lợi và Nguyễn Viết Thân với cách nhìn khoa học sâu sắc đã tôn vinh giá trị của thuốc Nam và những bậc tiền nhân, những cụ lang giàu kinh nghiệm chữa bệnh bằng thuốc Nam đúng giá trị thật vốn có, đồng thời phê phán cách nhìn nhận phiến diện của một số nhà khoa học Việt Nam đang coi thuốc Nam như một thứ bùa tâm linh.
Hiện tại, để phát triển và đưa thuốc Nam trở thành một thuốc chữa bệnh thông dụng vẫn phải phụ thuộc vào : Chính sách và quan tâm đúng mức của cơ quan chủ quản, sự phát triển khoa học kỹ thuật ứng dụng liên quan tới nghiên cứu dược chất, bào chế và ứng dụng lâm sàng, vì thế thuốc Nam vẫn chưa thực sự có bước dài nào trong cung cấp thuốc thiết yếu cho mạng lưới y tế Việt Nam. Phần lớn thuốc Nam vẫn tồn tại trong phạm vi bào chế thô sơ chưa khác nhiều so với cổ phương. Bên cạnh đó, nguồn thuốc Nam hiện nay còn đang ngày càng bị thu hẹp hoặc mất đi do khai thác tự do, bừa bãi, thu mua mang tính tận diệt của các lái buôn cùng với nạn phá rừng, đô thị hóa. Có nhiều thuốc Nam trước mọc hoang nhiều, nhưng hiện nay đang trở lên khan hiếm.
Chắc chắn một điều là: Sớm hay muộn nếu không có sự quan tâm đúng mức, thuốc Nam không những không còn được ứng dụng mà còn có thể chỉ là câu chuyện lịch sử.
Phạm Quế Việt