Những cơn đau dạ dày khiến nhiều người mất ăn mất ngủ, đau đớn khổ sở vì không tìm ra biện pháp chữa trị có tác dụng hiệu quả. Thay vì dùng các đơn thuốc thuốc tây y, nhiều người đã tìm đến lá dung – một món quà thiên nhiên từ những cánh rừng của miền núi Việt Nam. Lá Dung được biết đến là một vị thuốc nam giúp tiêu hóa tốt, có hiệu quả trong điều trị bệnh đau dạ dày.
Cây dung có tên gọi khác là dung sạn, cây lượt, du đất. Tên khoa học là Symplocos laurina (Retz).Wall.ex G.Don, họ Dung – Symplocaceae. Cây mọc hoang rải rác ở vùng núi từ Thanh Hóa trở vào và tập trung nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên. Cây to, vỏ thân màu xám. Lá mọc so le, hình bầu dục thuôn, gốc tròn, đầu nhọn, mép có răng cưa, khi non có lông sau nhẵn. Cụm hoa mọc ở kẽ lá gần ngọn thành chùy bông, hoa nhiều màu trắng, vàng hoặc lục, rất thơm. Mùa hoa quả vào tháng 5-8.
Toàn cây từ lá, vỏ thân, rễ đến vỏ rễ đều có thể dùng tươi hay phơi khô làm thuốc. Theo nghiên cứu cho thấy, thành phần hóa học chính của cây là tanin và hợp chất flavonoid.
Theo kinh nghiệm từ dân gian truyền lại, lá dung được hãm dùng như nước uống hằng ngày như chè hoặc lá vối. Ngay từ khi thấy tách chè dung đã pha, bạn sẽ ngạc nhiên với sắc nước vàng sóng sánh tuyệt đẹp. Nhấp một ngụm chè Dung ấm nóng, bạn sẽ ngạc nhiên hơn vì vị ngọt, thanh mát khiến bạn cảm thấy dễ chịu vô cùng. Những ngày hè oi ả, được một tách chè dung quả là tuyệt vời.
Trong đông y, lá dung có tác dụng chữa đau dạ dày, giúp tiêu hóa, chữa tiêu chảy, kiết lỵ, chữa bỏng, các vết thương nhiễm khuẩn, các bệnh về da đầu. Ngày dùng 15-30g, dạng thuốc sắc, siro, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Các bài thuốc có thể tham khảo:
1. Chữa đau dạ dày: Lá dung khô 30g sắc uống hàng ngày. Hoặc Lá dung 120g, Hương phụ tứ chế 60g, Mai mực 40g, sao vàng, Nam mộc hương 40g, Kê nội kim 20g, sao vàng. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, trộn đều. Ngày uống hai lần, mỗi lần 8g với nước sôi để nguội vào lúc đói, trước bữa ăn một giờ.
2. Giúp tiêu hóa chữa đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy: Lá dung khô dùng dưới dạng nước chè uống hằng ngày với liều 15-30g.
3. Chữa tiêu chảy, kiết lỵ, bệnh gan, viêm kết mạc: Vỏ dung phơi khô, tán bột trộn với mật ong liều mỗi lần dùng 1-2g.
4. Chữa các vết bỏng nhiễm khuẩn: Lá dung nấu nước rửa vết bỏng, dùng nước cô đặc bôi lên vết thương.
5. Chữa bệnh về da đầu: Lá Dung tươi rửa sạch, giã nát, nấu với dầu lạc hoặc dầu vừng, dùng đắp lên chỗ bị bệnh.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh cần đặc biệt chú ý trong ăn uống như ăn nhiều bữa, nhai kỹ, khai đau nên ăn nhẹ, uống nhiều nước, không ăn những chất dễ kích thích. Trên đây là một số thông tin về lá dung chúng tôi muốn cung cấp đến các bạn đọc giả, Chúc các bạn luôn có một sức khỏe tốt.
Hoàng Liên