Mỗi lần du xuân trong những dịp Lễ hội Chùa Hương tôi lại chợt nhớ tới món chè củ mài thơm ngon, ngọt mát nơi đây. Món ăn dân giã này được xem như là một thức quà của miền đất Phật dành riêng cho mỗi khách hành hương. Củ mài ấy không chỉ tạo nên vị thanh mát trong các món ăn mà còn là vị thuốc quý trừ được chứng chướng bụng, đầy hơi, ợ chua… tốt cho người già và người bệnh.
Hoài sơn (Dioscorea persimilis Prain et Burk, họ Củ nâu – Dioscoreaceae) được dân gian quen gọi với tên là củ mài, khoai mài hay sơn dược. Sở dĩ được gọi là sơn dược vì cây được xem như một loại dược liệu quý trên vùng núi cao.
Khi đến các vùng dân tộc, miền núi như các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình…bạn có thể bắt gặp cây thuộc loại dây leo quấn, thân nhẵn, màu đỏ hồng. Rễ củ đơn độc hoặc từng đôi, ăn sâu vào đất, vỏ ngoài có màu nâu xám, thịt mềm màu trắng. Đó chính là Củ mài mà chúng tôi muốn giới thiệu tới các bạn.
Chế biến trong các món ăn:
Từ xa xưa, Củ mài đã được cha ông ta chế biến trong các món ăn, đem lại hương vị đậm đà, khó quên sau khi thưởng thức. Mọi người thường truyền tai nhau rằng, Củ mài được luộc lên hay hấp với cơm là món ăn tuyệt vời nhất mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Tuy chỉ là một món ăn dân dã, đơn giản nhưng lại mang đến một hương vị thanh đạm, thơm ngon, béo ngậy.
Ngoài ra, có thể nấu củ mài với xương lợn, bò hoặc nấu cháo với thịt giúp che giấu mùi vị khó chịu từ xương. Đặc biệt chè củ mài còn là món ăn vô cùng tốt cho sức khỏe, giúp da bạn mát mẻ, tươi nhuận. Phải công nhận củ mài là thực phẩm dinh dưỡng vô cùng ý nghĩa, nhất là đối với người gầy yếu, mới ốm dậy.
Tác dụng làm thuốc:
Hoài sơn là vị thuốc dùng trong đông y chế biến từ cây Củ mài. Cây có chứa nhiều tinh bột, do đó giúp làm giảm sự thèm ăn bột đường cho người bệnh tiểu đường. Y học ngày nay đã chứng minh rằng: “nhờ vào tinh bột của Hoài sơn làm ức chế enzym amylase tham gia vào sự chuyển hoá tinh bột thành đường glucose, làm chậm hấp thụ chất đường bột sau ăn.” Ngoài ra trong chiết xuất của Hoài sơn còn giúp tăng GLP-1 hormone kích thích tuyến tuỵ sản sinh insulin chuyển hoá glucose thành năng lượng nuôi tế bào.
Không những vậy, vị thuốc còn có vị ngọt, tính bình, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, chữa suy nhược cơ thể, mạnh gân xương, cơ thể gầy yếu.
Có thể khẳng định rằng Hoài Sơn không chỉ có vị thế quan trọng trong ngành y học cổ truyền mà còn được y học hiện đại công nhận về khả năng chữa trị nhiều bệnh, tăng cường sức khỏe cho mọi người.
Trong sách cổ có lưu lại các bài thuốc về hoài sơn như:
– Chữa đau lưng, mỏi gối, liệt dương: Hoài sơn 12g, Sâm bố chính 12g, Sâm cau 8g, Trâu cổ 12g, Cam thảo nam 8g, Kỳ tử 12g, Cáp giới 8g, Ngũ gia bì 8g, Ngưu tất 12g, Tục đoạn 12g, Thạch hộc 12g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
– Chữa ho, ho ra đờm loãng, sốt, ra mồ hôi trộm: hoài sơn 16g, Đảng sâm 16g, Ý dĩ 12g, Bạch Truật 16g, Mạch môn 12g, Thiên môn 12g, Quy bản 12g, A giao 8g. Sắc uống ngày một thang.
– Chữa tim đập nhanh, hồi hộp, ngủ ít: Hoài sơn 20g, Sâm bố chính 12g, Hạt sen 12g, Hà thủ ô đỏ 12g, Rau má 12g, Quả dâu chín 12g, Long nhãn 12g, Táo nhân 8g, Bá tử nhân 8g. Sắc uống ngày một thang.
Đây là vị thuốc được sử dụng rộng rãi trong ngành y học cổ truyền nên hầu hết các cửa hàng thuốc đông dược, phòng khám đông y… đều có bán vị thuốc này. Tuy nhiên bạn nên chọn những địa chỉ có uy tín, đảm bảo chất lượng hoặc tìm hiểu kỹ thông tin về vị thuốc này để tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe hoặc giảm tác dụng điều trị của thuốc.
Hoàng Liên