Cơ thể con người gồm lục phủ (Tiểu trường, Đại trường, Đởm, Vị, Bàng quang, Tam tiêu) và ngũ tạng (Tâm, Cam, Tỳ, Phế, Thận) tương ứng với ngũ hành (Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy).
Tạng thận có 2 phần gọi là:
– Thận âm hay Thận thủy, Thận tinh
– Thận dương hay Thận hỏa, Thận khí (nhiệt năng và cơ năng của cơ thể)
Theo học thuyết Thiên nhân hợp nhất của lý luận Y học cổ truyền, cơ thể mỗi người được coi là một tiểu vũ trụ thu nhỏ. Trong vũ trụ có âm dương rõ ràng: Dương là ánh sáng, là mặt trời, là trên cao…, còn Âm là bóng tối, là mặt đất, là ở dưới thấp… Phần dương thường tươi sáng, sưởi ấm, làm ẩm và điều hòa mọi hoạt động… cũng như Thận dương trong cơ thể con người – điều hòa các chức năng của, ổn định hệ bài tiết, sưởi ấm và giữ cân bằng hoạt động các tạng phủ. Thận dương sung túc thì cơ thể khỏe mạnh, răng tóc chắc khỏe, cơ khớp linh hoạt… Khi thận dương hư sẽ gây ra các triệu chứng bệnh và ảnh hưởng đến chức năng của các bộ phận khác trong cơ thể.
Thận dương hư do bẩm tố tiên thiên không đủ, lao tổn quá độ, mắc bệnh lâu ngày, lão suy gây ra. Các triệu chứng thuộc hư hàn; không cố sáp được tinh, nước tiểu, phân; không nạp khí; không khí hóa bài tiết nước tiểu nên gây phù.
– Triệu chứng điển hình là sợ lạnh, chân tay lạnh, sắc mặt tái, đau mỏi vùng thắt lưng, tiêu chảy buổi sáng sớm (ngũ canh tả), chất lưỡi nhạt, rêu trắng, di tinh, liệt dương, mạch trầm trì hoặc 2 mạch xích vô lực.
Nếu thận khí hư không cố sáp thì có thêm các triệu chứng: di tinh, hoạt tinh, tiểu tiện nhiều lần, có khi không tự chủ, đái dầm, ỉa lỏng ở người già.
Nếu thận hư không nạp khí gây hen suyễn khó thở, mạch phù vô lực.
Nếu thận hư không khí hóa bài tiết được nước gây phù toàn thân, nhất là hai chi dưới ấn lõm, bụng đầy, đái ít, khó thở, chất lưỡi nhạt mềm bệu, mạch trầm tế.
– Thận dương hư thường gặp trong các bệnh sau:
+ Các bệnh do hưng phấn thần kinh giảm:
Bệnh suy nhược thần kinh do ức chế và hưng phấn đều giảm với các triệu chứng: di tinh, liệt dương, đau lưng, ù tai, tay chân lạnh, mạch trầm nhược.
Những người lão suy gây đau lưng, tiểu tiện nhiều lần, những người đái dầm thể hư hàn (không có triệu chứng âm hư nội nhiệt).
+ Trẻ em suy dinh dưỡng, chậm phát dục: chậm biết đi, chậm mọc răng, thóp chậm liền, trí tuệ chậm phát triển.
+ Một số người mắc bệnh đau khớp, thoái khớp lâu ngày, những người ỉa chảy mạn tính vào buổi sáng sớm, kém ăn, chậm tiêu…
+ Các bệnh mạn tính, cơ thể suy nhược: viêm gan mạn, cao huyết áp, đái tháo đường, viêm phế quản, hen suyễn…
– Phương pháp chữa:
Ôn bổ Thận dương, Cố nhiếp thận khí (nếu di tinh, di niệu, ỉa lỏng)
Ôn bổ thận khí (nếu thận không nạp phế khí)
Ôn dương lợi thủy (nếu phù thũng do thận dương hư)
– Thuốc: Can khương, Phụ tử, Quế tâm
– Các bài thuốc cổ phương điều trị Thận dương hư: Bát vị địa hoàng hoàn (Thận khí hoàn) hoặc Hữu quy hoàn với các vị thuốc: Ba kích, Cẩu tích, Phụ tử, Nhục quế, Sơn thù, Tắc kè, Ngải cứu, Lộc nhung, Nhục thung dung, Phá cố chỉ.
– Cứu (nguyên tắc châm cứu: nhiệt thì dùng châm, hàn thì dùng cứu, vì là Thận hư hàn nên dùng cứu): Quan nguyên, Khí hải, Mệnh môn, Thận du, Xát nóng bàn chân.