Dứa dại thường mọc trên những vùng cát ẩm, dọc các khu rừng ngập mặn, các bụi ven biển, phổ biến ở Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hòa Bình, Quảng Ninh… Mọi bộ phận của cây đều được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau: cây trồng làm cảnh, làm tường rào, có nơi khai thác lá để làm chiếu… mặc dù rất ít dùng hoặc không dùng trong thực phẩm chế biến món ăn, nhưng Dứa dại lại được Y học cổ truyền khai thác để làm vị thuốc chữa bệnh rất hiệu quả, đặc biệt là các chứng bệnh về Thận.
Dứa dại hay còn gọi là Dứa gai, dứa gỗ, dứa rừng… có tên khoa học là Pandanus tectorius Sol. hoặc Pandanus tonkinensis Mart., họ Dứa dại (Pandanaceae).
Cây được trồng làm bờ rào ở nhiều nơi và mọc hoang thành bụi cao đến 3m, thân phân nhánh. Lá dài, hình máng không lông, màu lục đậm, dài 50-60cm, mép lá có nhiều gai sắc. Quả mọc ở ngọn cành cấu tạo từ nhiều “quả” nhỏ. Quả to khi chín màu vàng.
Y học cổ truyền dùng ngọn non, lá, rễ, quả để là vị thuốc. Rễ Dứa dại chữa phù thũng, gầy xương, chứng đái dắt, nước tiểu vàng đục (rễ non chưa bám đất càng tốt, đào về rửa sạch, thái mỏng, phơi khô). Ngọn non thu hái vào mùa xuân, dùng tươi hay phơi sấy khô chữa sỏi thận, chứng đái buốt, đái ra máu, chữa kinh phong trẻ em. Quả non phơi khô chữa cao huyết áp, tiểu đường.
Trong dân gian thường dùng 6-16g/ ngày dưới dạng thuốc sắc.
Sau đây là một số bài thuốc từ Dứa dại:
Kim Anh