Tương truyền rằng có một loài cây sau khi được người lấy cho dê đực ăn thì sau đó dê đực có khả năng giao phối với dê cái rất nhiều lần trong ngày. Từ đó cây được đặt tên là Dâm dương hoắc – loài cây có thể coi là đặc sản của vùng đồi núi. Từ bao đời nay, rượu lá Dâm dương hoắc được bà con dân tộc thiểu số sử dụng để bồi bổ cơ thể. Lá Dâm dương hoắc giúp bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực cho phái mạnh, giúp mạnh gân cốt cho người già.
Đông y sử dụng phần trên mặt đất đã phơi hay sấy khô của các loài Dâm dương hoắc lá hình tim (Epimedium brevicornum Maxim.), Dâm dương hoắc lá mác (Epimedium sagittatum ( Sieb. et Zucc.) Maxim.), Dâm dương hoắc lông mềm (Epimedium pubescens Maxim.), Dâm dương hoắc Triều Tiên (Epimedium koreanum Nakai) hoặc Vu Sơn Dâm dương hoắc (Epimedium wushanense T.S Ying), họ Hoàng liên gai (Berberidaceae). Dược liệu thu hái vào mùa hè hoặc mùa thu, loại bỏ tạp chất rồi phơi khô để dùng.
Mô tả cây:
– Dâm dương hoắc lá hình tim: Thân hình trụ tròn nhỏ, dài chừng 20 cm, mặt ngoài màu lục hơi vàng hoặc màu vàng nhạt, sáng bóng. Lá kép mọc đối hai lần ba lá chét. Lá chét hình trứng, dài 3 – 8 cm, rộng 2 – 6 cm, đầu lá hơi nhọn. Lá chét tận cùng có đáy hình tim, hai lá chét bên nhỏ hơn, hình tim lệch, tai phía ngoài to hơn, mép có răng cưa nhỏ như gai, màu vàng, mặt trên màu lục hơi vàng, mặt dưới màu lục hơi xám, có 7 – 9 gân nổi lên, các gân nhỏ dạng mắt lưới nhìn rõ, cuống nhỏ. Phiến lá dai như da, không mùi, vị hơi đắng.
– Dâm dương hoắc lá mác: Lá kép xẻ ba, lá chét hình trứng hẹp, hình mác, dài 4 – 12 cm, rộng 2,5 – 5 cm, đầu nhọn, các lá chét bên có đáy xiên chếch rõ, phía ngoài đầu giống mũi tên. Mặt dưới lá phủ lông ngắn, thô, thưa, mặt trên hầu như không có lông. Phiến lá dai như da.
– Dâm dương hoắc lông mềm: Mặt dưới phiến lá và cuống lá phủ nhiều lông mềm (lông nhung).
– Dâm dương hoắc Triều Tiên: Lá chét tương đối to, dài 4 – 10 cm, rộng 3 – 7 cm, đầu nhọn kéo dài ra, phiến lá mỏng hơn.
– Vu Sơn Dâm dương hoắc: Phiến lá chét hình mác hoặc hình mác hẹp, dài 9 – 23 cm, rộng 1,8 – 4,5 cm đầu nhỏ dần hoặc nhỏ kéo dài ra, mép có răng cưa nhỏ, gốc lá xẻ lệch, thuỳ phía trong nhỏ, hình tam giác, nhọn. Mặt dưới lá phủ lông như bông hoặc nhẵn.
Có các cách bào chế vị thuốc từ Dâm dương hoắc như sau:
– Dâm dương hoắc khô: loại bỏ tạp chất, tách riêng lấy lá, phun nước cho hơi mềm, thái thành sợi nhỏ, phơi khô.
– Dâm dương hoắc chích mỡ dê: Dùng lửa văn (lửa nhỏ), cho dâm dương hoắc đã thái sợi vào sao, đồng thời vảy mỡ dê đến khi các sợi sáng bóng đều, lấy ra để nguội, cứ 100 kg Dâm dương hoắc thì dùng 20 kg nước mỡ dê.
Dâm dương hoắc có vị cay ngọt, tính bình; có công dụng bổ thận dương, cường cân cốt, trừ phong thấp. Chủ trị các chứng liệt dương, hoạt tinh, yếu chân tay, phong thấp đau tê bại, co rút cơ. Dân gian thường dùng dùng 6 – 15 g mỗi ngày ở dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với các thuốc khác.
Bài thuốc:
Dâm dương hoắc có thể dùng cho cả nam và nữ. Chú ý các trường hợp cương dương, mộng tinh, sung huyết não, mất ngủ không nên dùng.
Kim Anh