Thảo dược quanh ta vô cùng đa dạng, phong phú. Mỗi cây, mỗi loài lại có những hình dáng, màu sắc, mùi vị, công dụng khác nhau.Tuy nhiên, trong thiên nhiên rộng lớn ấy tồn tại không ít những cây thuốc nam với hình dáng gần tương tự nhau, khiến mọi người hay nhầm lẫn, khó phân biệt thật giả. Cỏ sữa là một trong số đó, với hai loài là cỏ sữa lá to và cỏ sữa lá nhỏ. Mặc dù hình dáng gần như nhau nhưng cỏ sữa lá nhỏ hay được dùng làm thuốc hơn. Cỏ sữa lá nhỏ được xem như một thảo dược quý có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh đường ruột và bệnh ngoài da.
Giống với cỏ sữa lá lớn, do thân cây có chứa một lượng nhựa mủ trắng giống như sữa nên được gọi là cây cỏ sữa. Cây có tên khoa học là Euphorbia thymifolia, thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae. Trong dân gian còn có một số tên gọi khác là vú sữa đất, cẩm địa, thiên căn thảo…
Cây thân nhỏ, sống quanh năm, có nhựa mủ. Thân cành mảnh, màu đỏ tím, mọc bò, có lông rất nhỏ. Lá mọc đối hình bầu dục, mép có răng cưa, mặt dưới có lông. Hình dạng tương đối giống với cỏ sữa lá lớn nhưng lá nhỏ hơn. Cây mọc hoang khắp nơi ở nước ta, có thể mọc ven đường, nơi đất có sỏi đá hay chân móng tường nhà, kẽ đường bê tông, đường gạch….
Toàn cây gồm lá, thân và rễ cây đều dùng được làm thuốc. Chỉ cần nhổ cây về đem rửa thật sạch, phơi khô cả cây (hoặc cắt ngắn phơi khô) bảo quản để dùng dần làm thuốc. Cây có thành phần hóa học bao gồm: nhựa mủ, flavoloid, alcaloid, tinh dầu. Trong đó tinh dầu chủ yếu là cymol và carvacrol.
Theo y học cổ truyền, cỏ sữa lá nhỏ có vị nhạt, hơi chua, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, kháng khuẩn, thông sữa. Theo nghiên cứu, dung dịch cỏ sữa có tác dụng ức chế sự sinh sản của các loại vi trùng lỵ và các chủng vi khuẩn tụ cầu vàng. Do đó, cỏ sữa lá nhỏ thường được dùng trị bệnh đường ruột và bệnh ngoài da, chữa lỵ trực khuẩn, đặc biệt đối với trẻ em. Để chữa bệnh người ta dùng toàn cây phơi khô, sao vàng, sắc uống, mỗi ngày 15-20g, có thể tới 50g cho trẻ em, người lớn có thể dùng tới 100-150g.
Các bài thuốc chữa bệnh thường dùng:
Ngoài ra, cỏ sữa lá nhỏ còn làm thuốc chữa mẩn ngứa ngoài da: Cỏ sữa tươi, rửa sạch giã nát xoa vào chỗ bị mẩn ngứa hoặc nấu nước rửa.
Lưu ý: nhựa mủ của cỏ sữa lá nhỏ có thể gây xót với niêm mạc dạ dày, do đó nên sử dụng với liều lượng hợp lý, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Hoàng Liên