Oops! It appears that you have disabled your Javascript. In order for you to see this page as it is meant to appear, we ask that you please re-enable your Javascript!

Bí đao

Bí đao giàu chất xơ và các yếu tố vị lượng

Bầu ơi thương lấy Bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Đây là câu ca dao về bầu bí mà người Việt Nam từ già đến trẻ ai cũng thuộc lòng. Bầu và Bí là hai loài cây quá quen thuộc với người dân Việt Nam. Nếu bạn đi dọc đất nước này hỏi thăm có ai biết cây Bầu, cây Bí không? Thì chắc chắn bạn sẽ nhận được gần như 100% câu trả lời là Có. Xét một góc nhỏ về Bí đao, đây là loại quả thông dụng trong mọi gia đình, có nhiều công dụng như chế biến món ăn, thức uống… Bên cạnh đó, y học cổ truyền còn khai thác được vị thuốc quý từ loài cây dân dã này, rất tốt cho tim và thận.

Trong Đông y, Vỏ Bí Đao thường được sử dụng làm thuốc với tên gọi “Đông qua bì”. Bí đao hay còn gọi là Bí phấn, Bí xanh; có tên khoa học là Benincasa hispida (Thunb) Cogn., họ Bầu bí (Cucurbitaceae).

Giàn bí đao

Đây là cây thân thảo một năm mọc leo, dài tới 5m, có nhiều lông dài. Lá hình tim hay thận, đường kính 10-25cm, xẻ 5 thùy, tua cuốn thường xẻ 2. Hoa đơn tính màu vàng. Quả thuôn dài 25-40cm, dày 10-15cm. Lúc non quả có lông cứng, khi già có sáp phấn trắng ở mặt ngoài, nặng 3-5kg, màu lục mốc, chứa nhiều hạt dẹp. Hạt Bí cũng có thể sử dụng làm thuốc.

Trong Bí Đao có chứa các carbohydrat, protein, lipid, vitamin, các chất khoáng… Theo Đông y, Bí xanh có vị ngọt nhạt, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, giải nhiệt, làm mát ruột, tiêu phù, giảm béo. Tất cả mọi bộ phận của cây từ rễ đến quả đều được tận dụng giúp ích cho Y học:

+ Ăn bí đao giúp thông tiểu, tiêu phù, giải khát, mát tim, trừ phiền nhiệt, bớt mụn nhọt.

+ Vỏ quả dùng chữa đái dắt do bàng quang nhiệt hoặc đái đục ra chất nhầy.

+ Hạt bí đao rang ăn chữa ho, giải độc và trị rắn cắn.

+ Lá Bí đao chữa ngón tay chín mé.

+ Rễ nấu nước tắm để trị bệnh đậu mùa.

Ngày thường dùng 40-200g quả, 40-50g hạt, dạng thuốc sắc, dùng ngoài thì không kể liều lượng.

Bên cạnh đó, Bí đao còn được xem như một “mỹ phẩm” của các chị em phụ nữ. Do giàu chất xơ và các yếu tố vi lượng, cung cấp ít năng lượng, hàm lượng dinh dưỡng thấp, nên bí đao trở thành loại thực phẩm giúp bạn có làn da sáng mịn mà lại giảm cân vô cùng hiệu quả.

Bí đao giàu chất xơ và các yếu tố vị lượng

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc phổ biến hay được dùng từ Bí đao:

  1. Nước ép Bí đao hỗ trợ giảm cân: 400g bí đao, 1 thìa cà phê muối, 3 thìa đường. Bí đao gọt vỏ bỏ ruột, đem luộc rồi ép lấy nước, pha thêm đường và muối. Chia ra uống nhiều lần trong ngày rất tốt cho sức khỏe.

Nếu chế biến Bí đao cùng món ăn thì nên ăn bí đao trước 7h tối. Khi mới đầu thực hiện giảm cân bằng bí đao, bạn có thể ăn từ từ cùng với cơm, đến khi quen rồi thì ăn bí đao thay cơm hoàn toàn để quá trình giảm cân được diễn ra hiệu quả hơn.

  1. Chữa phù thũng toàn thân: Bí đao, Hành củ nấu canh với cá chép ăn. Hoặc Bí đao 40g, Đậu đỏ 40g sắc đặc uống hằng ngày.
  2. Chữa ho gà, viêm phế quản cấp và mãn: Hạt bí đao 15g, trộn với đường phèn giã mịn, nhào với mật ong, uống với nước đun sôi để nguội, ngày 2-3 lần.
  3. Chữa đái không thông do bàng quang nhiệt, hoặc đái đục ra chất nhầy: Vỏ bí đao sắc đặc, uống nhiều lần trong ngày.
  4. Chữa ung nhọt ở đại tràng: Hạt bí đao, Bồ công anh, Kim ngân hoa, Ý dĩ, Diếp cá, mỗi vị 40g; Rễ Lau 20g, Hạt Đào, Cát cánh, Cam thảo đều 10g; sắc uống.
  5. Chữa các đầu ngón tay sưng đau (chín mé): Lá bí đao giã nát trộn với giấm rít đắp lên các đầu ngón tay.

Có thể nói Bí xanh là loài cây đág quý mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Bí xanh rất dễ trồng, cây phát triển nhanh và ít bị sâu bệnh. Ngày nay bí xanh được trồng phổ biến và còn là mô hình phát triển kinh tế của nhiều hộ gia đình. Vì thế rất dễ dàng để tìm kiếm vị thuốc này. Mỗi chúng ta cũng có thể trồng giàn bí xanh ở một góc nhỏ ngay chính khu vườn nhà mình.

Kim Anh