Trong dân gian, người ta vẫn thường kể những câu chuyện dùng roi dâu để bắt ma. Theo quan niệm đó, đeo vòng dâu tằm có thể xua đuổi hồn ma, giúp trẻ em tránh được tà ma để trẻ khóc đêm và ra mồ hôi trộm. Nhưng ít ai biết được dâu là một dược liệu quý vì hầu hết các bộ phận đều được sử dụng để chữa bệnh. Lá dâu (tang diệp) có tác dụng trong chữa sốt, cho ra mồ hôi. Quả dâu (tang thầm) có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và ngủ kém. Vỏ dâu (tang bạch bì) có tác dụng lợi tiểu hạ, huyết áp, an thần. Cành (tang chi) dùng trong chân tay đau nhức. Đặc biệt trên những cây dâu lâu năm thì còn xuất hiện tang ký sinh công hiệu bậc nhất trong các bệnh thấp khớp.
Tầm gửi cái tên không còn xa lạ trong ngành y học cũng như dược liệu. Đây là loại cây sống ký sinh vào cây khác, hút chất dinh dưỡng của cây chủ, có thể gây hại cây chủ nhưng lại có nhiều tác dụng trong việc chữa bệnh.
Tầm gửi dâu hay còn gọi là tang ký sinh có tên khoa học Loranthus parasiticus thuộc họ Tầm gửi (Loranthaceae). Nhánh của cây không có lông, có nhiều lá xanh để quang hợp được, thường mọc so le, phiến lá thường nhẵn, quả mọng.
Thành phần hóa học chính trong dược liệu là flavonoid.
Bộ phận được dùng trong chữa bệnh là thân, cành và lá đã phơi sấy khô, thường mọc ở trên những cây dâu lâu năm. Nên thu hái trước khi ra hoa, bỏ tạp chất và rễ, cắt ngắn phơi trong râm mát hoặc sấy khô nhẹ. Khi dùng có thể tẩm qua rượu, sao qua.
Dược liệu có tính bình, vị đắng, không độc, có tác dụng bổ can thận, lợi khí huyết, mạnh gân xương. Chữa tăng huyết áp ở người cao tuổi, tăng huyết áp kèm tăng cholesterol, đau nhức xương, phong thấp, ho ở trẻ em.
Ngày dùng 10-50 g, dạng thuốc sắc dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Trong dân gian thường hay sử dụng tầm gửi dâu trong các bài thuốc:
Bài thuốc 1: Chữa tê thấp, nhức mỏi các khớp xương:
Tầm gửi 20g, Lá lốt 12g, Sinh địa 15g, ngưu tất 15g, Kinh giới 10g, Xấu hổ 10g. Sắc uống gày một thang.
Bài thuốc 2: Chữa tê thấp, nhức mỏi gân xương:
Tầm gửi 20g, sài hồ 16g, Rau muống biển 16g, Dây đau lưng 20g, Mắc cỡ 20g, Vú bò 20g, Lá đại bi 20g, Thiên niê kiện 16g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Bài thuốc 3. Chữa ho và hen sữa trẻ em:
Tầm gửi cây khế 20g( Thái nhỏ, sao vàng, Tầm gửi cây Duối 20g, Rau má 20g, Lá hẹ 10g, Bạc hà 10g, sắc đặc thêm mật ong để ngọt rồi uống.
Bài thuốc 4: chữa động thai, đau bụng, rong huyết: Tang ký sinh 15g, A giao nướng thơm 20g, Ngải diệp 20g, nước 3 bát (600ml). Sắc còn 1 bát (200ml) chia nhiều lần uống trong ngày. Nếu là người tạng nhiệt thì bỏ Ngải diệp.
Hiện nay có rất nhiều loại tầm gửi khác nhau như gạo, mít, na, xoan….tùy vào cây chủ mà tầm gửi có vị thuốc và công dụng chữa bệnh khác nhau. Tuy nhiên độ phong phú về số lượng đang ngày càng mất đi để thay thế vào đó là những cây có giá trị tức thời nên cần phải có các biện pháp bảo tồn và phát triển loại dược liệu quý này.
Vũ Phương