Rau muống (tên khoa học: Ipomoea aquatica) là một loài thực vật nhiệt đới bán thủy sinh thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae). Rau muống được trồng phổ biến khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Tại Việt Nam, nó là một loại rau không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày.
Cây rau muống mọc bò, ở mặt nước hoặc trên cạn. Thân rỗng, dày, có rễ mắt, thường không có lông vào mùa nóng, và có lông vào mùa lạnh. Lá hình ba cạnh, đầu nhọn, đôi khi hẹp và dài. Hoa to, có màu trắng hay hồng tím, ống hoa tím nhạt, mọc 1-2 hoa trên một cuống.
Trong Đông y, rau muống có vị ngọt, tính hơi hàn, khi được nấu chín sẽ giảm tính lạnh đi, đi vào các kinh, tâm, can, tiểu trường, đại trường.
Rau muống chứa rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nên ngoài việc làm rau ăn hàng ngày vừa ngon miệng, vừa tốt cho sức khỏe thì còn là vị thuốc dễ làm dễ uống. Dưới đây là một số bài thuốc dành cho trẻ em được làm từ rau muống:
Trẻ nóng nhiệt, ra mồ hôi mùa hè: Rau muống 100g, mã thầy 500g, đem sắc lấy nước cho trẻ uống trong ngày.
Rôm sảy, mẩn ngứa do nóng: Rau muống rửa sạch đem nấu nước tắm.
Quai bị: 200-400g rau muống đem luộc kỹ, ăn cả cái lẫn nước, có thể cho thêm đường vào nước rau.
Lở ngứa ngoài da, zona: Ngọn rau muống, lá vòi voi rửa sạch, đem giã nhuyễn, cho thêm ít muối đắp lên.
Sốt, khó thở: Rau muống, mướp đắng, hai thứ có liều lượng bằng nhau, đem rửa sạch, giã nát rồi đắp lên ngực, trán.
Kiết lỵ: Một ít cọng rau muống tươi, một ít vỏ quýt khô lâu năm, đem hai thứ nấu với lửa nhỏ lấy nước uống trong ngày.
Chảy máu cam: 200g rau muống, 12g cúc hoa, đem nấu sôi với một ít nước, sau đó gạn lấy nước uống trong ngày.