Oops! It appears that you have disabled your Javascript. In order for you to see this page as it is meant to appear, we ask that you please re-enable your Javascript!

Khôi tía

Khôi tía

Bước chân vào những khu rừng đầy rẫy cành cây ngọn cỏ với không khí trong lành, dễ chịu, là nơi kết nối đời sống tâm hồn của biết bao thi sĩ, cũng là nơi bắt nguồn của biết bao thảo dược quý. Khôi tía – loài cây mọc hoang trong những khu rừng rậm miền thượng du được biết đến với tác dụng điều trị viêm dạ dày hiệu quả. Lá khôi tía có tác dụng trung hòa, làm giảm tiết acid dịch vị, se vết loét, làm lành dạ dày, tá tràng. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giúp các bạn hiểu kỹ hơn về thảo dược này.

 

Khôi tía

Cây khôi tía hay còn gọi là cây độc lực, đơn tướng quân, khôi nhung có tên khoa học là Ardisia sylvestris Pitard, họ Đơn nem – Myrsinaceae. Cây được phân bố chủ yếu ở hầu hết các tỉnh miền núi nước ta như Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Hà Tây (Ba Vì)… Đây là loại cây bụi, ưa ẩm và ưa bóng, mọc dưới tán rừng rậm ẩm ướt, phát triển tốt trên lớp đất nhiều mùn.

Là một loại cây nhỏ, mọc thẳng đứng, cao 1.5 – 2m, thân mảnh, có nhiều vết sẹo màu xám do lá rụng để lại. Lá thường tập trung ở ngọn thân, mọc so le, mép lá có khía răng nhỏ, cả hai mặt lá thường có lông mịn như nhung (nên mới được gọi là khôi nhung). Trong y học, lá là bộ phận được dùng để điều trị bệnh đau dạ dày, tá tràng và thường chỉ dùng loại có lá mặt trên xanh như nhung, mặt dưới tím.

 

Theo kinh nghiệm dân gian, thường dùng lá khôi tía chế biến, sắc uống để chữa đau bụng rất hiệu quả. Một số tài liệu của y dược cho biết, trong lá khôi tía có thành phần chủ yếu là tanin, các glycosid có tác dụng trung hòa, làm giảm sự gia tăng acid của dạ dày, có tác dụng làm se vết loét, nên được dùng để trị viêm loét dạ dày tá tràng. Ngoài ra còn được dùng để chữa lở ngứa, mụn nhọt.

Để có tác dụng hiệu quả, lá khôi tía thường được dùng như sau: Ngày uống 40-80g sắc uống phối hợp với các vị thuốc khác chữa đau dạ dày. Nấu nước tắm cho trẻ em phòng, trị lở ngứa. Giã nát bôi chữa mụn nhọt.

Các bài thuốc thường dùng:

  1. Chữa viêm loét dạ dày tá tràng, đau vùng thượng vị, bụng đầy chướng, ợ hơi, ợ chua:

Bài 1: Lá khôi 10g, Chút chít 10g, Bồ công anh 12g, Nhân trần 12g, Lá khổ sâm 12g. Tán bột mỗi ngày uống 30g với nước sôi để nguội.

Bài 2: Lá khôi 20g, Khổ sâm 16g, Hậu phác 8g, Cam thảo nam 16g, Bồ công anh 20g, Hương phụ 8g, Uất kim 8g. Sắc uống ngày một thang.

  1. Đau dạ dày hay đau thượng vị, đói no cũng đau, hay ợ hơi, ợ chua: Lá khôi 25g, Mẫu lệ 20g, Ô tặc cốt 15g, Thảo quyết minh 20g. Tất cả sao vàng hạ thổ, tán bột mịn. Ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 1 muỗng cà phê.
  2. Chữa trẻ bị sài lở: Lá khôi, lá Vối, lá Hòe mỗi thứ một nắm to, nấu nước tắm cho trẻ bị sài.

Lá khôi tía tự nhiên là một thảo dược rất quý và hiện nay còn lại rất ít. Để có thể thu hái 1kg lá khôi tía nguyên chất từ rừng cần mất rất nhiều công sức và thời gian. Do đó nếu bạn muốn mua nên thận trọng, tránh nhầm lẫn, đồng thời tìm đến những địa chỉ uy tín, chất lượng để đảm bảo hiệu quả tốt trong điều trị.

Hoàng Liên